top of page
CSS Staff Writers

Nỗi Niềm Về Một Chuyến Đi

Đã cập nhật: 2 thg 10

(Bài học sau khi viếng thăm các tu viện tại Meteora, Hy Lạp)



Trong những ngày vừa qua của chuyến du lịch hành hương sang Hy Lạp, Thầy cùng các anh chị trong Hội Từ Bi Phụng Sự (TBPS) đã đến viếng một số tu viện tại Meteora (được mệnh danh là Thành Phố Tâm Linh Trên Không), bắt đầu với tu viện nhỏ nhất và kết thúc với chuyến thăm viếng tu viện lớn nhất trong số các tu viện.

Vào thời cực thịnh, có khoảng 400 - 500 người sống và sinh hoạt tại địa điểm này. Nơi đây giống như một ngôi làng với những sắc thái đặc biệt của một cộng đồng. Về mặt tổ chức gồm có cơ sở làm việc, nhà bếp, nơi may vá thêu thùa, những chỗ sản xuất đồ gốm, đồ gỗ, hoặc làm những bình đựng rượu, v.v…

 

Trong chuyến hành hương đến Meteora, nhìn ngắm những công trình kiến trúc của người xưa hơn ngàn năm về trước để lại cho đến ngày hôm nay, nghĩ về thuở huy hoàng của cuộc sống, nhìn thấy dấu vết của những sinh hoạt ngày ấy và chứng kiến những âm thầm, lặng lẽ, hoang vắng trước mặt, tâm tư Thầy bồi hồi, cảm được một nỗi buồn khó tả!


Nếu có bác nào hỏi Thầy: Sau khi viếng thăm nơi này 4 lần, Thầy học được điều gì?

Thầy muốn dùng một ví dụ giống như khi viếng thăm người bệnh đang hấp hối. Họ không thể nói được mà chỉ nằm đó thoi thóp, có người được đút ống... thật đau khổ! Mới gần đây thôi là trường hợp của anh Dũng Đoàn, anh cũng còn sức sống. Nếu để ống thở, anh có thể tiếp tục trạng thái Coma đến vài tháng không chừng. Khi thăm anh Dũng, Thầy cầm tay anh nói chuyện và gởi tình thương, cuối cùng đặt một nụ hôn trên trán của anh và gởi gấm vài lời rồi đọc chú Thanh Liên Hoa. (Anh Đoàn Chí Dũng là một thành viên của Hội TBPS, luôn có mặt cùng với các anh chị thuộc nhóm nhiếp ảnh trong các kỳ pháp hội và là người đăng tải trên Youtube các chương trình Đối Thoại Tâm Linh và  chương trình Khai Tâm).

 

Cũng vậy, khi viếng thăm nơi đây giống như thăm một người bệnh đang hấp hối. Có thể đa số các bác không có cùng một cảm giác như thế, chỉ thấy khách du lịch đông đảo đi lên đi xuống vui vẻ, hoặc thấy vẻ đẹp và điểm lôi cuốn của chốn này vì không hiểu được chiều sâu của câu chuyện, của một nền văn hóa đang gần chết. Thời vàng son của nước Hy Lạp và Meteora đã qua rồi!

 

Khi xưa, Hy Lạp là trung tâm văn hoá của Âu Châu, có rất nhiều khoa học gia, triết gia đại tài, còn Meteora là nơi đào tạo ra rất nhiều những bậc lãnh đạo tôn giáo xuất sắc của toàn thể Chính Thống Giáo chứ không riêng cho nước Hy Lạp. Hiện nay tại các tu viện, vẫn còn một số ít các vị tu sĩ ở đó nhưng người ta đến thăm không được cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc, và học hỏi từ các ngài. Nhà thờ này giống như đang có máy hô hấp, vẫn tồn tại nhưng không còn là một nơi linh thiêng nữa, mà chỉ là một địa điểm cho du khách thăm viếng, chiêm ngưỡng và nghe kể về quá khứ.

 

Với cái nhìn tổng quát và sâu rộng, chúng ta thấy nơi đây nền văn hóa giống như đã đến giai đoạn cuối của chu kỳ ‘sinh-trụ-dị-diệt’ mặc dù du khách thăm viếng rất đông đảo, nhộn nhịp. Vì thế, trong mấy ngày viếng thăm, mỗi chiều chúng ta đến nơi núi đá, ngồi tĩnh lặng, đặt bàn tay xuống đất để năng lượng trời đất lưu chuyển, gửi gắm những lời cảm kích, sự an ủi và tình thương đến vũ trụ và người xung quanh nơi này.



Trở lại chuyện anh Dũng Đoàn, trong đám tang tiễn anh, Thầy và Hội TBPS đã cho mọi người viếng thăm có cơ hội thực hiện nghi thức nhỏ 3 giọt hương dầu: Giọt hương dầu đầu tiên nhỏ xuống để cảm kích những điều anh đã làm; giọt hương dầu thứ hai để gỡ các gút thắt trong lòng của anh, và giọt hương dầu thứ ba để gởi tình thương của chúng ta đến anh. Trong tinh thần tương tự như vậy, khi chúng ta đến thăm các tu viện tại Meteora không phải chỉ để hưởng thụ mà phải nhận tri chốn này đang có một nền văn hoá đang suy tàn và tấm lòng của chúng ta biểu hiện tình thương bằng cách cho sự tĩnh lặng, sự cảm kích và cống hiến thiện tánh hay sự tu tập của chúng ta.

 

Như thế, sự viếng thăm của chúng ta mới có ý nghĩa và xứng đáng là những người bạn có lòng chứ không là những du khách ‘vô tâm’. Đi đến đâu chúng ta cũng tu đạo bồ tát. Cho nên, Thầy rất thích đi với các bác, cùng tu, nói chuyện, chia sẻ, và giới thiệu vai trò của chúng ta trong chuyến đi đến một nơi văn hóa đang chết dần dần. Chúng ta không được gặp hay tiếp xúc với vị linh mục, giống như không tìm thấy linh hồn của chốn này nên chỉ còn cách ủng hộ nhà thờ, thí dụ như mua vé vào cửa, mua các vật dụng bán trong gift shop để phần nào giúp đỡ cho họ có thể sinh sống. Các món như mật ong, sách vở không phải do họ sản xuất nhưng họ bán để có chút tiền lời. Rất tội nghiệp. Rõ ràng có sự thoi thóp, không còn hưng thịnh như xưa!

 

Trong thời kỳ cực thịnh, các vị tu sĩ ở đây rất xuất sắc, có chiều sâu tâm linh. Họ đi ra dạy đạo và tạo ảnh hưởng lớn mạnh cho Chính Thống Giáo. Họ là những nhân tài lãnh đạo, mà bây giờ không còn nữa. Thầy cảm thấy rất bồi hồi: Vũ trụ xoay vần sinh-trụ-dị-diệt, những người xuất sắc không còn, số người tu ít dần, như chim bay không để lại dấu vết, như vầng nhật nguyệt vận hành cũng không lưu dấu vết, như liên hoa trồi lên mặt nước không hề dính giọt nước nào. Chúng ta đến đây không tìm được vết tích. Những cảnh tượng ở đây chỉ giúp chúng ta hoài niệm về một dĩ vãng huy hoàng nhưng thật sự tinh thần của họ không còn nữa.

 

Giống như khi vào nhà thờ, chúng ta không thấy gì có thể học được. Chẳng còn gì! Đó là ưu tư của người lãnh đạo: Phải có giáo pháp để dạy văn hóa. Giá như tại chỗ này, cứ mỗi 10 phút có người thuyết minh, ví dụ giải thích thế nào là ý nghĩa của cây thánh giá hay giải thích câu bằng tiếng Hy Lạp được chưng bày, đương nhiên sẽ thấy cái pháp có sức sống ngay.

 

Sau chuyến du lịch hành hương, rồi đây khi về lại nhà, Thầy mong mỗi người nên nhớ lại hình ảnh ở đây, càng đi càng hiểu sâu và thực hành trách nhiệm của mình giống như khi đi thăm người bệnh. Hãy khắc ghi trong lòng: Sứ mạng của mình là không ngừng thay đổi để tiến bộ, để không bị đào thải vì thế hệ sau có thể nghĩ rằng mình không thực tế, không thích hợp, và không có gì đáng để học hỏi theo. Đó là điều đáng buồn!

 

Muốn thay đổi thì chúng ta phải không ngừng nâng cao tâm thức để cái nhìn được tiếp tục mở rộng hơn. Sau khi các bài giảng của Thầy được chuyển tải đến các bác, Thầy kỳ vọng mỗi người sẽ mở tâm để đón nhận và hiểu rõ thêm vì lúc nào Thầy cũng bao gồm một sự chỉ dẫn (indication) cho cuộc sống.

 

126 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page