top of page
compass.lanhuong

MANDALA là NGÔI NHÀ TÂM LINH

Trích từ bài giảng của Thầy Hằng Trường trên chương trình Đối Thoại Tâm Linh – 12/2023


Vì sao Mạn Đà La lại là ngôi nhà tâm linh?


Mandala còn được gọi là đàn tràng hay giới đàn, gồm những hình vuông và hình tròn.

 

Ý nghĩa:

 

1. Hình vuông

 

Ngày xưa, Đức Phật lập một giới phận (một chỗ) bằng một hình vuông để làm chỗ truyền giới cho chúng sanh. Cứ mỗi hai, ba tháng, Ngài truyền giới cho các vị tăng hay tập họp các tăng lại để tụng giới. Ngài rất giản dị, chỉ đặt 4 cọc 4 gốc để làm chỗ truyền giới. Cho nên, hình vuông còn được gọi là đàn tràng, hay giới đàn, là một giới phận (area) nào đó, được đặt ra.

 

2. Hình tròn

 

Ngoài hình vuông, còn có những hình tròn. Hình tròn là chỗ tác pháp (tác pháp: ảnh hưởng của pháp). Ví dụ như trong vòng tròn này có các vị tăng được thọ giới, còn ngồi ngoài vòng tròn là các vị truyền giới, không thọ giới. Đại khái, có nhiều cách kiến lập, và đàn tràng là chữ xưa nhất tượng trưng cho một giới phận. Nói chung, kiến lập một đàn tràng đều có những hình vuông và hình tròn.

 

Vào thời đại xưa, làm hình vuông thì dễ nhưng hình tròn thì khó. Rất nhiều văn hóa trên thế giới đều dùng vòng tròn tượng trưng cho sự viên mãn. Như ở Việt Nam có bánh chưng và bánh dày tượng trưng cho đất trời, cho sự hài hòa của âm dương.

 

Trong sự không viên mãn của người (hình vuông), có sự viên mãn của Thánh Hiền (hình tròn). Hình tròn có thể nhỏ nằm bên trong hình vuông hay to lớn, vô bờ bến, vô hình, vô tướng, bao nạp tất cả (nằm ngoài hình vuông).


Ngày xưa, có một vị thiền sư, lúc ngài sắp viên tịch, không nói được nữa, ngài vẽ ra một vòng tròn truyền cho các đệ tử. Từ đó, vòng tròn trở thành nổi tiếng trong thiền môn, tượng trưng cho sự viên mãn, tròn đầy, cho Không Tánh hay Phật tánh, vì ngộ được Không tánh, thấy được bản tánh Không là thành Phật (Kiến tánh thành Phật). Vì thế, Không Tánh, cũng là Phật tánh, là tánh tự tại vô ngại, viên mãn, tròn đầy, chỗ nào cũng có.

 

Phật: vòng tròn viên mãn.

Chúng sinh: hình vuông, cõi phàm tục 


Sự khác biệt giữa Mandala của người Nhật và Mandala của hội Từ Bi Phụng Sự như thế nào?


1. Thai Tạng Giới



Trong Mandala Thai Tạng Giới của Nhật, có vô số hình tròn, và mỗi hình tròn đều có các vị Phật. Đây là chỗ rất thần thánh, là chỗ hội họp của chư Phật, chư Bồ Tát. Chính giữa là vòng tròn của Đại Nhật Như Lai, giống như đang tỏa hào quang, nói lên sự viên mãn tròn đầy.

 

Bên ngoài cùng là hai hình vuông, ý nói rằng trong sự không viên mãn của vũ trụ mà chúng ta đang sống, có sự viên mãn của Phật tánh. Tu là làm sao đạt tới sự viên mãn đó.

 

Giữa Mandala Thai Tạng Giới có một vị Phật và 8 vị Phật xung quanh, như 8 cánh sen, tượng trưng cho 8 thức: nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý, Mạt-Na thức và A-Lại-Gia thức. Hoa sen 8 cánh này nở ra, hiển lộ ra vị Phật ở giữa. Mandala này tượng trưng cho sự khai mở của Phật tánh, gồm có khung vuông cứng



bên ngoài và hình tròn bên trong, có thể mở ra được. Cho nên Mandala trở nên sống động vô cùng.

 

Thai Tạng Giới còn có nghĩa là con người, từ khi còn nằm trong bào thai, đã có sẵn tất cả đức tánh của một vị Phật nhưng những đức tánh đó bị ẩn tàng, bị che lấp. Tu làm cho hoa sen nở ra, khai mở tất cả những tánh tốt còn ẩn tàng.    

                                                                 

2. Kim Cang Giới


Mandala Kim Cang Giới phức tạp hơn, dạy con đường tu. Cũng gồm những hình vuông và nhiều hình tròn (Phật). Con đường này đi từ trong ra ngoài, mỗi bước đi là một sự viên mãn,  để đạt tới hình xoắn trôn, là mô thức phát triển của nhân loại. Vạn vật trong vũ trụ đều phát triển theo hình xoắn trôn.

 

Cả 2 Mạn Đà La đều rất sống động.

 

3. Mandala do hội Từ Bi Phụng Sự thực hiện

Chúng ta kết họp triết lý của 2 Mandalas trên, vừa mở ra, vừa đi theo năng lượng xoắn trôn, đều có tất cả chư Phật trong đó.  Do đó, chúng ta nói đó là nhà của Phật, đây là nơi mở ra tất cả đức tánh tốt lành đã có sẵn nhưng bị ẩn tàng của mình.

 

Kinh Hoa Nghiêm có một phẩm tên Thập Trụ là chỗ để chúng ta an trú, là mái ấm gia đình (Home). Hằng ngày sau khi đi làm, chúng ta trở về nhà. Các động vật, thú vật đi đâu rồi cũng về hang. Cũng vậy, nếu Phật có thân, thì Phật cũng lấy một nơi làm nhà. Cho nên chúng ta vẽ Mandala và mong rằng đức Phật lấy Mandala làm nhà của Ngài. Từ Nhật qua Tây tạng, Hàn quốc, Trung quốc, tất cả Mandala đều có hình Phật.

 

Vì vậy, Mandala là nhà của Phật, đó là một thực tại từ ngàn năm nay rồi. Không phải do chúng ta sáng chế ra. Trong tất cả Mandala, lúc nào cũng có một vị Phật chủ trì ở giữa.

 

Trong những mandala do hội Từ Bi Phụng Sự tổ chức, chúng ta mời đức Phật hoặc Bồ Tát Quán Thế Âm làm pháp chủ và tất cả đại chúng bước vào đồng tu tập. Đức Phật hay Bồ tát ngự tại trung tâm (vòng tròn nhỏ ở chính giữa), chính là nhà của chư Phật.

 

Bao quanh vòng tròn nhỏ là 5 hình vuông, tượng trưng cho 5 vòng của phàm phu, của sắc, thọ, tưởng, hành, thức, là nhà chúng sinh ở tạm.

 

- Vòng ngoài màu vàng, tượng trưng cho Sắc ấm. Sắc là thân xác. Ấm là nhà trọ.

 

- Kế đó là vòng màu xanh, tượng trưng cho Thọ ấm, là nhà của cảm xúc, cảm tình.

 

- Vòng màu đỏ là nhà của tư duy, tư tưởng, suy nghĩ, gọi là Tưởng ấm.

 

- Vòng màu lục, tượng trưng cho Hành ấm, tức là thói quen, tập khí. 

 

- Vòng màu trắng trong cùng, là nhà của sự nhận tri, nhận biết, gọi là Thức ấm.

 

Tất cả 5 vòng với 5 màu sắc khác nhau, đều là căn nhà trọ, hay là khách sạn (hotel) của chúng sinh. Trong khi vòng tròn nhỏ ở giữa là nhà của Phật, là Vĩnh hằng, Thường trụ, Bất biến, là chỗ dựa sáng nhất, là Quang Minh Vô lượng.

 

Sứ mạng của chúng ta là làm sao đi từ nhà tạm để vào căn nhà Thường trụ. Nếu chúng ta thích ở những căn nhà đẹp, nhưng tạm bợ thì chúng ta sẽ không bao giờ giải thoát. Đó là triết lý quan trọng nhất. Chúng ta không nên sống tạm bợ ngoài hotel, mà nên tìm về nhà Phật, nơi vĩnh cữu.


Trong khi tham dự Mandala, ngồi trong Mandala, cái gì khiến chúng con hiểu được là chúng con đang đi xuyên qua 5 ấm để thấy được Chân tâm?

 

Chúng sinh phàm phu thì không biết nhưng các vong linh biết.

Cái khổ nhất là khi chúng sinh ở trong vòng nào rồi thì cứ lẩn  quẩn trong vòng đó, bị sự kềm tỏa của ngũ ấm (nhà tạm) mà không biết mình đang ở nhà trọ hay khách sạn. Cứ muốn ở đó hoài, không chịu ra. Chỉ có những người đang cất bước mới biết cuộc hành trình của mình. Tạm trú chỗ nào thì biết đó là hotel.

 

Vong linh thì may mắn hơn, mỗi vong linh được viết tên trên 1 bài vị. Chúng ta sẽ cầm bài vị, dẫn họ đi xuyên qua 5 căn nhà trọ, không ngừng ở 1 nhà trọ nào, đi hết 5 nhà trọ, tới chỗ của Phật. Bài vị của vong linh sẽ được để ngay dưới chân Phật, là chỗ dừng cuối cùng của họ. Hào quang của Phật, như một trục ánh sáng phóng lên cao, họ sẽ dựa theo ánh sáng đó mà đi lên và giải thoát.

 

Trong Mandala, các màu sắc chuyển đổi từ vàng qua xanh, qua đỏ, qua lục rồi trắng. Sự chuyển đổi màu sắc đó có tác dụng như thế nào trên chúng con?

 

Tu tập là phải không ngừng chuyển đổi, đừng nên chấp trước. Nếu không thì mình kẹt vào cái thân này, kẹt vào cảm xúc, tư duy,... kẹt vào các căn nhà trọ. Thay vì dùng chữ ấm, chữ nhà trọ dễ hiểu hơn, giúp chúng ta biết rằng đó là nơi mình không ở luôn được.

 

Sự chấp trước của chúng sinh kinh khủng vô cùng, không muốn thay đổi, không nhận ra mình đang ở nhà trọ. Trong kinh Bát Đại Nhân Giác, đức Phật đã nói “Thân là chỗ tạo ra vô số tội” mà không biết. Ngài cũng thường nói “Tam giới như cái nhà đang cháy”, nhưng mình không biết nhà đang cháy, vẫn ngồi yên trong nhà.

 

Cho nên Mandala là một bài học dễ hiểu để thức tỉnh, thấy nhà đang cháy thì nên chạy, thấy đang ở nhà trọ nào thì mau trả tiền và ra khỏi (check out) cho nhanh. Trong Mandala, khi đèn bật sáng ở khung hình vuông nào, thì chúng ta biết không nên dừng trụ ở khung đó nữa mà nên ra khỏi. Hãy rời tất cả các nhà trọ để cuối cùng tới vòng tròn ở giữa, là nhà của chư Phật chư Bồ tát, có nghĩa là trở về với mái ấm của mình, hay là trở thành Phật. Chúng ta có chương trình tập luyện để trở về nhà.

 

Bát Nhã tâm kinh có câu “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không”, khó hiểu hơn. “Ngũ uẩn” tương đương với nhà trọ, không phải nhà thật. ‘Giai không” có nghĩa tất cả đều không, không thực tại, không có thiệt, không thể an trụ, nên chúng ta cần nhanh chóng thoát ra (check out) để về căn nhà thật của mình, là nhà Phật, là Chân tâm. 

 

 

 

 

 

 

 

 

162 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page