top of page
CSS Staff Writers

Hành Hương đến Meteora (Hy Lạp)


Theo thông báo từ nhiều tháng trước, Hội Từ Bi Phụng Sự sẽ tổ chức một chuyến hành hương đến Meteora, Greece trong 8 ngày cho các thành viên của Hội. Số người ghi danh tham dự có được 80, đến từ các vùng Nam và Bắc California, Virginia, Houston, Dallas, Canada, Đức và Hoà Lan.

 

Để chuẩn bị cho chuyến hành hương đến một vài địa điểm lừng danh tại Hy Lạp, chính yếu là Meteora Monasteries, Sư Phụ Hằng Trường đã bỏ ra nhiều công sức nghiên cứu và thu thập những kiến thức về Hy Lạp đối chiếu với con đường bồ tát đạo của Kinh Hoa Nghiêm để hướng dẫn và truyền trao cho những tham dự viên trong chuyến hành hương này. Thật là một tập tham khảo rất quý báu.

 

Ngày đầu phái đoàn chúng tôi được viếng thăm Acropolis of Athens (Acro nghĩa là cao, Polis là thành phố. Acropolis là thành phố trên cao), nơi có kiến trúc Parthenon, là đền thờ vị nữ thần về trí huệ Athena, vị chủ thần của thành phố Athens.



Tối hôm đó, chúng tôi được xem hòa nhạc tại nhà hát Odeon of Herodes Atticus. Nhà hát này được xây bằng đá vào AD 161 và được trùng tu vào năm 1950, nằm ở phía tây nam sườn núi thuộc thành phố Acropolis of Athens và có thể chứa được 4,680 người.


Ngày hôm sau, chúng tôi đáp xe buýt đến Meteora và viếng thăm các tu viện (hay còn gọi là tự viện) trên các ngọn núi cao. Tại các tự viện này, các tu sĩ Chính Thống Giáo Thiên Chúa vẫn đang trú ngụ và tu hành.

 

Rặng núi đá Meteora tại Hy Lạp là một công trình kiến trúc ngỡ như một huyền thoại. Chữ Meteora có nghĩa là ‘suspending in the air’ tức là treo lơ lửng trên không, là huyền không. Vào khoảng thế kỷ thứ 9, có rất nhiều tu sĩ dòng kín theo đạo Công Giáo (Catholic) leo lên núi Meteora để tu vì trên đó có rất nhiều động. Trải qua 300 năm sau, đến thế kỷ thứ 12, có thêm nhiều người lên được nơi này. Họ xây những động tu trong núi, và lập thành một cộng đồng của những người tu khổ hạnh thuộc Dòng Tu Kín bên Âu Châu. Đến thế kỷ thứ 14, mười mấy tu viện (Monasteries) được xây và có hàng trăm vị tu sĩ sống tại đó.

 

Trong số những tự viện xây cao trên núi, các tự viện ở Meteora là nơi nổi tiếng nhất bởi vì các vị tu sĩ lên đó ẩn tu (tu dòng kín), không tiếp xúc với bên ngoài. Khi các tu sĩ lên đến tu viện rồi, họ kéo cái thang dây lên trên nên không ai có thể lên được. Thời đó, nếu ai muốn lên, phải ngồi trong một cái giỏ giống như cái thúng, họ quay và kéo lên chứ không còn cách gì khác.

 

Nếu ai tới sau, cái thúng đã lên trên rồi thì chỉ loanh quanh dưới chân núi mà thôi. Nhờ vậy, họ mới chống lại được sự xâm lăng của Thổ Nhĩ Kỳ, bảo vệ nền văn hóa Hellenic, tức văn hóa Hy Lạp thời đó vì tất cả những văn kiện, nghệ thuật, nhất là nghệ thuật được vẽ vào tường. Trong tự viện Holy Monastery of St. Nicholas có rất nhiều hình do họ vẽ, duy trì văn hóa thời xưa, không để cho quân Thổ Nhĩ Kỳ và quân Hồi Giáo có thể lên tàn phá.     

 


Ở Meteora ngày trước có 24 tự viện nhưng bây giờ chỉ còn lại 6 thật sự còn người ở: 4 tự viện dành cho các vị tu sĩ nam, 2 dành cho các vị nữ tu. Mỗi tự viện có dưới 10 người sống ở đó chứ không nhiều. Theo lịch sử của những tự viện này, điều rất đặc biệt là họ sống chung với nhau rất hài hòa, có cùng một lối tu chung, và giá trị quan của họ tương tự như nhau.

 

Mỗi sáng tất cả mọi người cùng tu tụng niệm trong tĩnh lặng, không nói chuyện. Mỗi tối họ cũng phải bỏ thời gian ngồi tĩnh lặng với nhau. Trong ngày, họ làm rất nhiều công việc để duy trì tu viện, và sự làm việc chung cực khổ đó đã tạo ra một cuộc sống chung rất thanh bình. Các vị tu sĩ rất ít tranh chấp bởi vì họ có cùng hướng đi là duy trì văn hóa và hiến dâng cuộc đời cho Chúa.

 

Hồi xưa không có con đường và bậc thang lên như bây giờ nên phương tiện di chuyển bằng cách thòng cái giỏ xuống. Hiện nay vẫn còn cái thùng đưa lên đưa xuống bằng điện chứ không phải kéo tay như khi xưa, nhưng chỉ để chuyên chở đồ vật hay thức ăn thôi. Du khách thăm tu viện Meteora đi lên và xuống bằng cách đi bộ. Du khách chỉ được viếng thăm vài phòng trong tự viện chứ không được tham gia các sinh hoạt tu hành của các tu sĩ. 

 

Đường núi có đôi chỗ khó đi nên nhóm được Thầy hướng dẫn chia ra từng cặp làm bạn đồng hành, người trẻ hay khoẻ hơn trợ giúp người yếu hay lớn tuổi hơn. Có những bàn tay đưa ra năng đỡ những người bạn đạo leo lên con dốc núi. Chúng tôi mặc áo thun đồng phục nên dễ nhận diện và khá nổi bật giữa những du khách khác và không sợ bị lạc.


Trong chuyến hành hương này, chúng tôi được cơ hội học hỏi, mở mang kiến thức, được ngắm nhìn cảnh thiên nhiên và nhân tạo thật hùng vĩ và mỹ thuật, được thưởng thức buổi hòa nhạc với những âm thanh và giọng hát tuyệt vời, được vận động toàn thân như leo núi, tập thể dục trong bầu không khí trong lành, được tu tập thiền định tại những địa điểm thật tĩnh lặng và an bình giúp đào sâu mức độ chuyên tâm và lắng tâm giúp chúng tôi mở tâm và thay đổi cái nhìn và nhất là dùng công phu tu để cúng dường chúng sanh xung quanh. Trí, thân và tâm thật an lạc...

Ngồi thiền

Nghe giảng pháp

Chuyến hành hương này hay là chuyến du lịch tâm linh lần này đã cho những ai tham dự được thêm kiến thức về văn minh, văn hóa, nghệ thuật, được hiểu biết những công trình lịch sử được xây dựng cả ngàn năm trước, tận mắt ngắm nhìn mà lòng không khỏi bồi hồi xúc động. Riêng về mặt tâm linh, Sư Phụ kính yêu cũng hướng dẫn và truyền trao những bài pháp phù hợp với chuyến hành hương để nâng cao tầng nhìn của mỗi người khi tiếp giáp với những công trình văn hóa giá trị. Thời gian gặp gỡ, sống chung, những giờ ngồi thiền, những lúc nghe Sư Phụ giảng pháp, và những sinh hoạt thân tình với các anh chị em trong Hội từ khắp các vùng thật quý báu.

 

Một số người chia sẻ cảm tưởng: Đã cảm nhận sự bất động, tĩnh lặng và an bình vô cùng khi ngồi thiền ngoài thiên nhiên ở Meteora, tâm chuyên chú dễ dàng và hình ảnh quán tưởng đến tự nhiên không phải cố gắng như thường ngày.

 

Một tham dự viên khác xin được gởi đôi lời trong bài tường thuật này: Kính cảm ân Thầy đã tổ chức chuyến đi kỳ vĩ, lại không ngừng chỉ dạy và chia sẻ kiến thức, năng lượng quý báu cho chúng con được tu học. Cảm tạ quý anh chị em trong ban tổ chức đã hết lòng lo đủ mọi việc. Cảm ơn tất cả các bạn đạo thân quý với bao bàn tay nâng đỡ, khuyến khích để chúng con được hoàn tất chuyến đi an toàn và thưởng lãm tất cả những kỳ công của vũ trụ, sự sáng tạo và bàn tay nghệ thuật của con người. Nhờ vậy, chúng con được suy nghiệm từng trang sử từ thời cổ xưa, xây dựng rồi hủy diệt, hưng thịnh rồi suy tàn qua bao thế hệ loài người. Chúng con tự hỏi mỗi người trong chúng ta sẽ làm gì đây để bảo tồn, duy trì, và nhất là phát triển những tinh túy và trí huệ của người ngàn xưa, của các vị thánh hiền, các nhà hiền triết, các vị Sư Tổ, Sư Phụ…

 

Ngày vui rồi cũng hết, mọi người rời miền đất Hy Lạp với nhiều di tích văn hóa cổ kính, và chia tay để mỗi người trở về lại nơi chốn của riêng mình, về với những bổn phận và công việc đời thường nhưng kỷ niệm và dư âm của chuyến hành hương này vẫn mãi trong tâm trí chúng tôi. Thay mặt toàn thể các anh chị em, chúng con kính gởi lòng biết ơn sâu xa đến Sư Phụ, các anh chị em điều hợp đã tận tâm lo chu toàn mọi việc, cũng như các tham dự viên đã quan hoài lẫn nhau và vui hưởng những ngày sống chung hài hòa.

 

Một vài hình ảnh kỷ niệm chuyến hành hương đến Hy Lạp, tháng 9 năm 2024:

 


130 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page