top of page
compass.lanhuong

Chánh Pháp, Tượng Phát và Mạt Pháp

Meteora Qua Lăng Kính Phật Pháp


Đời người ai cũng đã có những lần đi chơi xa, đi cùng với gia đình hoặc với đoàn nhóm và mục đích những chuyến đi ấy đều mang một ý nghĩa riêng biệt. Theo bước chân Thầy, một số anh chị em trong Hội Từ Bi Phụng Sự của chúng ta vừa qua đã thực hiện một chuyến du lịch hành hương dặm ngàn thiên lý đến Meteora, Hy Lạp để cùng viếng thăm một số tu viện của Giáo Hội Chính Thống Giáo Miền Đông (Eastern Orthodox Monasteries). Hiện tại chỉ có 6 tu viện còn hoạt động và mở cửa cho du khách đến thăm. Một trong những tu viện này dành cho nữ tu.


So với những nhóm du khách đến nơi này, con số 80 anh chị hội viên cùng với Sư Phụ Hằng Trường của chúng ta không phải là ít. Lần đi xa này gọi là chuyến du lịch dặm ngàn thiên lý bởi vì khoảng cách được định vị từ Los Angeles (USA) đến Meteora là 10,827.66 km hay 6,728 miles và độ cao của đỉnh Meteora so với mặt nước biển là 630 mét.

Phái đoàn TBPS chúng tôi đến nơi bằng máy bay nhưng phải cất từng bước thật vững chắc, khéo léo mới lên được đến đỉnh để chiêm nghiệm cảnh giới núi non trùng điệp tại Meteora. Tuyệt vời hơn nữa, tuổi của đoàn lữ khách này trẻ nhất vào độ ngũ tuần, và “trẻ ít” hơn khoảng độ bát tuần. Nhìn nhóm người mặc đồng phục ngồi nghe Sư Phụ giảng pháp trên cảnh núi “huyền không” thật đáng khâm phục và dễ thương quá chừng! (Huyền không nghĩa là treo lơ lửng trên không.)


Phái đoàn chiêm ngưỡng những gì khi đã lên đến đỉnh của Meteora hay để ngắm những cảnh hoang phế, vắng vẻ, lạnh lùng, chơ vơ của các nơi ẩn tu với kiến trúc tuyệt mỹ đã hơn hai ngàn năm trước đang tàn phai theo chu kỳ sinh-trụ-dị-diệt của vũ trụ? Sư Phụ của chúng ta, qua lăng kính của Phật pháp chiếu sâu vào những hoang phai của Meteora qua thời gian, đã ban một bài giảng về Chính pháp, Tượng pháp và Mạt pháp ngay tại nơi này.

 

Khác với những lần đi hiking, chuyến du lịch thăm viếng những công trình kiến trúc lịch sử như ở đây, Thầy luôn ấp ủ những bài học tâm linh để truyền đến các tham dự viên của đoàn. Những tu viện và đền thờ ở Meteora bây giờ khác hẳn với thuở ban đầu của khoảng 600 năm trước Công Nguyên đến 800 năm rất thịnh hành và cao điểm nhất vào năm 1200 rồi tàn lụi dần vì chiến tranh và nội chiến. Đến thời Phục Hưng, đời sống tâm linh của con người suy thoái. Ngày trước, có những vị ẩn sĩ tu trí huệ siêu việt, có cả mấy trăm tu sĩ cùng sống và tu hành tại nơi đây nhưng bây giờ chưa đếm tới con số 50!


Đứng trước những cảnh hoang vắng hay chứng kiến những suy sụp về mặt tinh thần, tâm linh và đạo đức, đó là một sự sinh diệt tự nhiên mà chúng ta nên nghĩ theo quan điểm Phật giáo là chu kỳ sinh-trụ-dị-diệt (phát sinh ra, trụ lại, rồi thay đổi và cuối cùng tàn lụi).  Bất kỳ nền văn hóa nào, nhà thờ nào, khuôn chùa nào hoặc ngay cả ngọn núi cũng không thoát khỏi chu kỳ này. Khác với nhiều du khách như chúng ta thấy, họ đến đây trả 3 euros vào cửa rồi đi quan sát nhanh lẹ và ra xe đến thăm chỗ khác. Đó có thể là nét văn hóa du lịch của riêng họ mà chúng ta không nên so sánh hay bài xích.


Cũng tại nơi này, Thầy đem vào lăng kính Phật pháp với chu kỳ sinh-trụ-dị-diệt rồi hỏi xem ai nhận định và cho biết Phật giáo của chúng ta ở vào chu kỳ nào. Câu hỏi này khiến các tham dự viên hơi ngập ngừng nhưng cuối cùng cũng nhận ra Phật giáo chúng ta đang đi vào thời Mạt pháp. Đức Phật đã nói trước, Phật pháp phải đối diện và đi vào 3 thời kỳ: Chánh pháp, Tượng pháp và cuối cùng là Mạt pháp.

 

‘Chánh pháp là lúc bắt đầu, Tượng pháp là giai đoạn trụ và dần dần đi qua dị. Mạt pháp bắt đầu với giai đoạn dị rồi đi vào diệt của chu kỳ. Đức Phật không nói dị pháp mà nói Mạt pháp, ý nói là không còn tính cách như hồi xưa nữa. Vào thời Chánh pháp, trong đầu người tu chỉ chú ý tu thiền định để có trí huệ siêu việt và để giải thoát. Đến thời Tượng pháp, việc tu hành chuyển đến trái tim, biểu lộ niềm tin và bày tỏ lòng chân thành. Đến thời Mạt pháp, việc tu hành chuyển đến bụng, tập trung vào sinh hoạt tầm thường như ăn chay ngon, tới chùa vì nghe nói có món chay ngon hoặc tu vì tiền... Hầu như ai cũng muốn có tiền, có dịch vụ thì có tiền vô, dịch vụ càng cao, tiền thu vô càng nhiều...

 

Trở lại địa điểm Meteora, nhìn những tàn tạ trước mắt, qua lăng kính Phật giáo thì đúng là nơi đây đang ở vào thời kỳ Mạt pháp của Chính Thống giáo. Vậy thì câu hỏi đặt ra là nếu muốn đưa nơi này trở lại thời vàng son thì phải làm gì? Có 3 điều căn bản cần làm:

 

1.    Phát triển chiều sâu tâm linh tức là thiền định  tam muội để phát triển trí huệ siêu việt và tu lòng thành. Đó là việc của Cá Thể.

 

2.    Quản lý đại chúng xây dựng và phát triển cộng đồng của những người tu đạo bồ tát, phải đem tâm linh dạy cho đại chúng, cho tập thể, chia sẻ sự khai ngộ chứng ngộ và cái nhìn của mình với người chung quanh. Ngày xưa, Đức Phật có tăng đoàn: Các vị tăng đem giáo pháp vào con đường thiền định. Đời bây giờ có tăng thân, họ không chắc tu thiền định nhưng sống với đạo đức thanh cao, và đời sống tâm linh rất mạnh mẽ. Tăng thân gồm những tu sĩ và người không phải tu sĩ.

 

Thời đại hôm nay, thay vì dùng chữ Tăng đoàn hay Tăng thân, người ta dùng chữ Cộng đồng. Đó là một nhóm người có nhiều lý tưởng và đều hướng về làm sao cho tâm linh khai mở. Cho nên, chia sẻ chiều sâu là cách thay đổi con người và cộng đồng, chủ yếu làm cho tâm linh khai mở. Sự chia sẻ đó cần một sự quản lý. Một tổ chức bị suy sụp là do thiếu sự quản lý đại chúng và vì không có nhóm người có lý tưởng. Bởi vậy, cần phải có sự quản lý, phân phối mỗi người làm một việc, mỗi người có một sứ mạng để phục vụ cộng đồng. Đó là về phương diện Tập Thể.

 

3.    Phát triển văn hóa Tâm Linh và tiềm năng khai mở bản tánh bên trong. Trái lại, văn-hóa-tôn-giáo chỉ làm cho người ta có niềm tin, không còn mặc cảm tội lỗi hay cảm giác bất an. Mạt pháp đến mau nhất vì sự tàn lụi của văn hóa tâm linh. Sau khi tu hoặc sống một thời gian, chúng ta nhận thấy văn hóa tâm linh rất quan trọng, dạy cho người ta phát triển tiềm năng khai mở bản tánh bên trong, cho nên, tôn giáo nào cũng có rất nhiều kinh điển và sách vở. Tuy vậy, văn hóa tâm linh và giáo pháp cũng phải hợp thời và cập nhật, tiến hóa theo thời đại để có thể giải đáp đối chiếu với sự việc xung quanh, cho mình một nhãn quan ví như đôi mắt kính nhìn xuyên qua màn tối của vũ trụ nhị nguyên. Đó là Văn Hóa Tâm Linh.

 

Đến Meteora này, các nhà thờ, tu viện, chủng viện xây trên đá vẫn còn nhưng văn hóa tâm linh đã tàn lụi và cộng đồng những người tin vào triết lý đó cũng không còn. Tương tự như vậy, Phật giáo của chúng ta cũng phải chịu ảnh hưởng của chu kỳ sinh-trụ-dị-diệt. Trước khi Phật giáo đi vào giai đoạn diệt, để nâng dậy sự suy thoái đang xảy ra, trách nhiệm của mỗi Phật tử chúng ta là phải cống hiến tùy theo khả năng để xây dựng cộng đồng và hổ trợ Đạo Phật.

 

Câu hỏi đặt ra là: Phật tử tại gia chỉ là một phần rất nhỏ bé trong cộng đồng thì làm sao làm được những gì cao cả hơn để đóng góp?

 

-        Theo Thầy, xin đừng bi quan, chắc mọi người đều nhớ ngạn ngữ Việt Nam mình có câu: “Một con én không làm nổi mùa Xuân” nhưng “Con sâu làm rầu nồi canh.” Nhìn vào cộng đồng nhỏ bé của TBPS, những hành động tích cực tiêu biểu cho sự gìn giữ và phát triển cần rất nhiều người. Nhiều cánh chim én cùng bay về sẽ báo hiệu mùa Xuân đến; nhiều người cùng chung tay chia sẻ những công việc tuy nhỏ hoặc quan trọng tùy theo khả năng, thời gian và lòng tận tụy mỗi khi nhận trách nhiệm cho đến khi hoàn tất mỹ mãn. Chẳng hạn như người lái xe, người nấu ăn, người quay video, người sửa lỗi bài viết, người giúp trang hoàng vv..., tất cả cùng chung tay để kiến tạo và xây dựng một cộng đồng tâm linh hài hòa và hiệu năng. Mỗi người đều có một trách nhiệm và những việc làm cao đẹp này không đòi hỏi phải là người xuất gia mới làm được.

 

Trở lại địa danh Meteora hay bất kỳ một di tích nào, vấn đề là chúng ta có thể làm được gì để ngăn chận chu kỳ ‘dị-diệt’ mà những du khách như chúng ta có thể làm và nên làm. Có hai cách nên hành xử khi đến những nơi như thế này để giúp bảo tồn giá trị văn hóa nơi ấy:

 

1.    Cảm kích những công trình của người xưa đã bỏ công tạo dựng các kỳ quan này. Cảm kích những gì còn tồn tại ngày nai.

 

2.    Đóng góp khả năng của mình tùy theo phương tiện và điều kiện riêng của mình cho phép. Đừng từ chối cho dù việc thiện nguyện nhỏ bao nhiêu đi nữa.

 

Nhớ một lần Thầy đi hành hương đến trung tâm Lộ Đức (Lourdes) tại nước Pháp. Lourdes nổi tiếng có nhiều phép lạ đã xảy ra, là nơi Đức Mẹ của Thiên Chúa giáo đã hiện ra và được nhiều người trên thế giới đến thăm viếng. Trước tiên, để thể hiện lòng cảm kích và tôn kính của mình tại nơi thánh tích này và sau đó cũng muốn tình nguyện được góp chút công sức, Thầy đến tại văn phòng ghi danh xin làm thiện nguyện. Nhân viên phụ trách việc ghi danh hỏi Thầy bao nhiêu tuổi. Thay vì trả lời, Thầy hỏi lại nhân viên cũng đang làm thiện nguyện: Hãy đoán xem tôi bao nhiêu tuổi? Người ấy nhìn thấy gương mặt đầy đặn và da dẻ không đến nỗi già mấy nên trả lời Thầy chỉ độ 42 hoặc 43 tuổi thôi.

 

Tuy trong lòng bỗng cảm thấy một chút sung sướng vì mình già hơn 43 tuổi mà được đoán nhầm một cách chân thành, Thầy thành thật nói: Tôi già hơn 43 tuổi. Ngay lập tức, người ấy cho biết nơi đây họ chỉ nhận những thiện nguyện viên dưới 40 tuổi để giúp những người tàn tật đang ngồi xe lăn cần di chuyển. Dù không được nhận làm công tác đó, trong lòng Thầy vẫn vui vì tấm lòng đã mở ra để sẵn sàng chung tay gìn giữ nét văn hóa cao đẹp này trong tinh thần Phật pháp.

 

Làm sao thay đổi người khác? Thay đổi người khác bằng cách thật sự tình nguyện làm việc và hy sinh. Nếu tâm mình mở ra thì mới mở tâm người khác. Nếu mình không làm điều gì hy sinh thì tâm sẽ không bao giờ mở. Không cần người lãnh đạo, dù việc nhỏ cỡ nào như cầm cây chổi quét nhà hay dắt tay một người qua đường nhưng biết hy sinh thì tâm mới mở ra và như thế mới từ từ giúp cho đạo pháp.

 

Bài pháp với đề tài: Chánh pháp, Tượng pháp và Mạt pháp này được thuyết giảng tại Meteora qua lăng kính Phật pháp trong chương trình TV Khai Tâm xin được khép lại và Thầy mong mỗi người hãy luôn mở tâm và biểu lộ tấm lòng của mình qua những thái độ, cử chỉ, hành vi mỗi khi đến viếng những kỳ tích như tại Meteora này.’


76 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page